LỄ ĐÍNH HÔN

Chào các bạn độc giả, lại là Sekisho đây!

Chắc hẳn ở Việt Nam các bạn đều sẽ nghe đến lễ ăn hỏi (hay còn gọi là đám hỏi, lễ đính hôn) và cũng tương tự nghi thức này thì ở Nhật Bản cũng có “Lễ đính hôn”. Tuần này, Sekisho Việt Nam sẽ giới thiệu tới các bạn “Lễ đính hôn” ở Nhật Bản nhé!

“Lễ đính hôn” là nghi thức được tổ chức trước khi diễn ra hôn lễ chính thức của các cặp đôi. Đây là thời điểm khi hai gia đình gặp mặt nhau và trao lễ vật (quà đính hôn).

Ở Việt Nam, “Lễ đính hôn” (hay còn được gọi là lễ ăn hỏi, đám hỏi)  thường được tổ chức trước hôn lễ chính thức khoảng từ 1-3 ngày tại nhà cô dâu, với sự tham gia của hai bên gia đình, họ hàng và bạn bè thân thiết. Đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản với lễ đính hôn ở Nhật Bản khi mà nghi thức này thông thường được tổ chức trước lễ cưới khoảng 3-6 tháng tại các khách sạn, nhà hàng,…

Tại “Lễ đính hôn” ở Việt Nam, nhà trai sẽ mang lễ vật sang nhà gái để xin cưới. Lễ vật thường bao gồm trầu cau, bánh trái, rượu, chè,… Ngoài ra, nhà trai có thể tặng thêm cho nhà gái một số vật phẩm khác như vàng, tiền,…Sau khi nhận lễ vật, nhà gái sẽ mời nhà trai vào nhà để cùng bàn bạc về ngày cưới. Hai bên gia đình sẽ thống nhất về ngày giờ, địa điểm tổ chức đám cưới,… Còn tại Nhật, lễ đính hôn sẽ được tổ chức tại các khách sạn, nhà hàng,… và cả hai bên nhà trai và nhà gái sẽ cùng mang và trao lễ vật cho nhau, sau đó sẽ cùng nhau thảo luận để lựa chọn thời gian, địa điểm tổ chức lễ cưới chính thức.

Về nguồn gốc, “Lễ đính hôn” (yuinou) của người Nhật được cho là bắt nguồn vào thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 5, khi thái tử của Hoàng đế Nintoku được tặng một món quà nhân ngày cưới. Sau này, việc này đã trở thành một nghi lễ trong cung. Đến thời Minh Trị, nghi lễ này được áp dụng phổ biến trong các hộ gia đình bình thường. Vì thời đó hôn nhân sắp đặt rất phổ biến nên người mai mối đóng vai trò kết nối cha mẹ cô dâu và chú rể, đi lại giữa hai gia đình để thực hiện lễ đính hôn. Sau đó, vào khoảng giữa thời Showa, do những thay đổi về điều kiện nhà ở, lễ đính hôn bắt đầu được tổ chức tại các khách sạn, nhà hàng,… với gia đình và người thân hai bên tụ tập cùng nhau.

Trong ngày lễ đính hôn, hai bên gia đình sẽ phải chuẩn bị quà đính hôn, sắp xếp chuẩn bị  thiệp mời, chỗ ngồi cho khách đến tham dự từ trước. Khi lễ đính hôn diễn ra, cặp đôi sẽ trao cho nhau quà đính hôn dưới sự chứng kiến của hai bên gia đình và khách được mời tham dự.

Điểm đặc biệt trong lễ đính hôn là 9 món lễ vật mà hai bên gia đình sẽ trao cho nhau và tùy thuộc vào sự khác nhau của các vùng mà những món lễ vật này cũng sẽ không giống nhau. Trong đó, mỗi món lễ vật đều có ý nghĩa khác nhau gửi đến cặp đôi.

9 Món lễ vật

Cụ thể, ở vùng Kantou, sợi tomoshiraga được làm từ sợi gai màu trắng, chắc và dài là một trong 9 món lễ vật may mắn mang ngụ ý cặp đôi sẽ luôn gắn kết bền chặt, sống hạnh phúc với nhau đến lúc đầu bạc. Cũng mang cùng ý nghĩa, trong những món lễ vật đính hôn ở vùng Kansai sẽ có cặp búp bê takasago với hình dáng một ông lão và bà lão đứng cạnh nhau thể hiện cặp đôi sẽ bên nhau đến già.

Búp bê Takasago

Tuy nhiên, ở Nhật Bản hiện nay, việc tổ chức lễ đính hôn đã không còn được phổ biến như trước, thay vào đó sẽ là một buổi gặp mặt ăn tối đơn giản mang ý nghĩa là buổi gặp mặt chính thức của hai bên gia đình và làm gắn kết thêm mối quan hệ hai bên.

Qua bài viết này, hi vọng các bạn sẽ hiểu hơn về văn hóa, những nét đặc sắc của Nhật Bản. Các bạn hãy cùng theo dõi trang web cũng như fanpage của Sekisho Việt Nam để tìm hiểu thêm về Nhật Bản nhé. Hẹn gặp lại các bạn vào tuần sau!