Rằm tháng tám ở Nhật Bản
十五夜 (Jugoya) được biết đến là ngày ngắm trăng đẹp nhất trong năm ở Nhật Bản. Trong bài viết này, hãy cùng Sekisho Việt Nam tìm hiểu về ngày lễ ngắm trăng này và cùng xem nó có những điều gì đặc biệt nhé.
Theo âm lịch, mùa thu từ tháng 7 đến tháng 9 và vào thời điểm chính giữa mùa thu, khi trời trong và trăng đẹp nhất thì đêm 15 tháng 8 âm lịch sẽ được gọi là “Trung thu” hay còn gọi là Jugoya. Đây là sự kiện để mọi người tạ ơn mùa màng trong khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trăng trung thu. Về nguồn gốc của Jugoya, đó là khi giới quý tộc thời kỳ Heian đã tiếp nhận phong tục ngắm trăng tao nhã của Trung Quốc, sau đó phong tục này đã lan rộng đến dân thường và trở thành một sự kiện tạ ơn mùa màng bằng cách dâng lễ vật mùa thu. Jugoya cũng là lễ kỷ niệm thu hoạch khoai lang nên còn được gọi là “Imo Meigetsu” và nhiều nơi cúng khoai môn và khoai lang trong ngày này.
Ngoài ra, khác với một số quốc gia phương Đông khác, Tết Trung Thu của người Nhật được tổ chức 2 lần/năm. Ngày lễ đầu tiên được tổ chức vào rằm tháng Tám như chúng mình có giới thiệu ở trên. Sau đó một tháng, vào ngày 13/9 Âm lịch, họ sẽ tổ chức Otsukimi lần thứ 2. Ngày lễ thứ hai này là nét phong tục độc đáo do chính người Nhật tạo ra. Tuy trăng hơi khuyết vào ngày 13/9 Âm lịch, nhưng lúc này bầu trời trở nên trong vắt hơn. Đây là thời điểm mà mặt trăng xuất hiện diễm lệ nhất trên bầu trời đêm. Vào ngày 13, người Nhật thường cúng hạt dẻ và đậu tương. Vậy nên ngày này cũng được gọi là Hạt dẻ trăng rằm, hoặc Đậu trăng rằm.
Những món đồ cúng trăng rằm truyền thống của người Nhật cũng rất đa dạng và thường bao gồm bông lau, bánh Tsukimi dango và các loại nông sản (khoai lang, hạt dẻ, đậu tương,…). Họ sẽ dùng mâm bày bánh dango để cúng. Đây là một loại mâm gỗ gồm 4 mặt, chuyên dùng trong các lễ thần đạo để dâng đồ cúng thần linh. Trong đó 3 mặt mỗi mặt có một lỗ tròn. Mâm cúng có thể được bày trí ở bên hiên nhà hay dưới sàn. Và phải được đặt ở nơi có thể nhìn thấy mặt trăng.
Và khi Tết trung thu đến, cũng giống như người Việt, người Nhật thích quây quần bên gia đình và cùng nhau làm những món bánh truyền thống đặc trưng trong lễ Otsukimi. Họ đặt những khay bánh ở bên hiên nhà, gần cửa sổ hay bất cứ chỗ nào mà họ có thể ngắm ánh trăng rõ nhất. Cả gia đình vừa thưởng thức bánh, vừa ngắm trăng, trò chuyện, cầu mong sự hạnh phúc, sung túc.
Và đó là một số nét văn hóa độc đáo về ngày Juugoya – Tết Trung Thu của người Nhật. Họ đã tạo ra ngày lễ Trung Thu của riêng mình, mang những bản sắc văn hóa đậm chất Nhật Bản. Nếu có dịp ghé thăm đất nước mặt trời mọc vào dịp Trung Thu, các bạn đừng quên trải nghiệm Juugoya cùng người Nhật nhé!