Luật lao động dành cho các bạn học sinh Việt Nam tại Nhật Bản

Chào các bạn độc giả yêu quý của Sekisho!

Sau khoảng thời gian trì trệ do ảnh hưởng của dịch Covid, thời điểm hiện tại là thời điểm vàng cho các bạn có dự định du học Nhật Bản tiếp tục kế hoạch đã ấp ủ bấy lâu. Tuy nhiên, bắt đầu cuộc sống mới tại một quốc gia xa lạ không hề dễ dàng, đặc biệt là những điều luật của nước sở tại. Trong bài viết này mình sẽ tổng hợp những điều luật liên quan mật thiết tới cuộc sống sinh hoạt của các bạn du học sinh tại sứ xở hoa anh đào.

  1. Tư cách lưu trú

Đối với du học sinh, dù bạn có học trường tiếng, cao đẳng, đại học hay thạc sĩ thì đều có chung tư cách lưu trú “留学”(ryugaku) – du học sinh. (Đạo luật kiểm soát nhập cư và công nhận người tị nạn điều 19 khoản 18).

Thời hạn lưu trú tối đa là 4 năm. Trong thời gian học tập tại Nhật, các bạn có thể làm thêm để có thêm thu nhập duy trì cuộc sống sinh hoạt, tối đa là 28 tiếng/1 tuần. (Đạo luật kiểm soát nhập cư và công nhận người tị nạn điều 19 khoản 2).

Tuy nhiên,không phải nơi nào bạn cũng có thể làm thêm được. Những trụ sở kinh doanh bất hợp pháp, những club đêm, host (bar dành cho nữ) hoặc pachinko (sòng bài kiểu nhật) là nơi mà du học sinh không được phép làm việc, nếu vi phạm thì sẽ mất tư cách lưu trú và bị trục xuất. (Đạo luật kiểm soát nhập cư và công nhận người tị nạn điều 24 khoản 3 mục 4).

Ngoài ra, nếu việc không đảm bảo được việc học (tín chỉ, chuyên cần) cũng ảnh hưởng rất lớn tới tư cách lưu trú. Bởi vậy, các bạn hãy chú ý cân bằng giữa việc học và làm nhé!

2. Các loại Thuế, bảo hiểm

  • Bảo hiểm y tế (国民健康保険 – kokuminkenkouhouken) là bảo hiểm bắt buộc dựa theo mức thu nhập hàng năm, có thể trả theo từng tháng hoặc trả theo năm (Luật Bảo hiểm Y tế Quốc gia khoản 2, khoản 4). Tiền bảo hiểm thường dao động từ 500 yên tới 15,000 yên hàng tháng.
  • Lương hưu (年金 – Nenkin) là quỹ tiền bạn đóng cho chính phủ cho tới lúc về hưu. Cơ quan hành chính tại địa phương sẽ gửi bạn giấy đóng Nenkin bắt đầu từ năm bạn tròn 20 tuổi. Tuy nhiên, học sinh được miễn đóng tiền cho tới lúc tốt nghiệp (Luật lương hưu quốc gia điều 90). Sau khi tốt nghiệp, các bạn làm việc tại Nhật và đóng bảo hiểm thì khi về nước có thể đăng ký để nhận lại số tiền này.
  • Thuế thu nhập cá nhân(個人所得税 – kojinshotokuzei) là số tiền bạn phải đóng khi có thu nhập, được công ty trừ thẳng trước khi các bạn nhận lương.(Luật thuế thu nhập khoản 2).
  • Thuế địa phương  (個人住民税 – kojinjyuminzei) là số tiền bạn phải đóng cho cơ quan hành chính khu vực bạn sinh sống. Số tiền mà bạn đóng phụ thuộc vào địa phương nơi ở của bạn, rơi vào khoảng từ 4%~10% thu nhập. (Luật thuế địa phương điều 2,31).
  • Đó là một số thông tin cơ bản mà các bạn cần phải chú ý khi du học tại xứ phù tang. Hẹn gặp lại các bạn độc giả vào số tiếp theo!