VĂN HÓA NHẬT BẢN: 「いただきます」- Itadakimasu
Ở Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc, trước những bữa cơm, người Việt thường có thói quen mời tất cả mọi người rồi mới cầm đũa, được xem như một phép lịch sự trước bàn ăn. Còn đối với người Nhật, trước những bữa ăn thường nói câu “Itadakimasu”.
Những bạn học và tiếp xúc với nền văn hóa Nhật Bản hẳn không còn xa lạ gì với câu nói này, thậm chí còn có thói quen nói いただきますtrước khi dùng bữa. Tuy nhiên, các bạn đã biết câu “Itadakimasu” này hàm chứa những ý nghĩa gì không? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu nhé!
Ý nghĩa trong ngôn từ – Nét đẹp văn hóa quốc gia
Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp giữa người với người, nhiều khi nó chính là phương tiện để truyền tải cả một nền văn hóa và lối ứng xử tinh tế của dân tộc.
Trong giới hạn bài viết này, Sekisho sẽ giới thiệu tới các bạn ý nghĩa đằng sau cụm từ tiếng Nhật “Itadakimasu” mà người Nhật thường nói trước khi ăn.
Đầu tiên, cụm từ “Itadakimasu” có nghĩa là “nhận” hoặc “xin”. Vậy khi nói trước khi ăn, nói được hiểu như là “tôi ăn nhé”, “tôi xin phép dùng bữa” trong tiếng Việt của chúng ta.
Trong một khảo sát nhỏ về ý nghĩa của cụm từ “Itadakimasu”, đa số mọi người đều cho rằng cụm từ này tỏ sự biết ơn đến người đã làm ra món ăn cho mình. Điều này đúng, nhưng chưa đủ.
Cụm từ いただきますcó nghĩa là nhận, ở dạng khiêm nhường ngữ, có nguồn gốc từ hành động nâng những món đồ cao trên quá đầu khi nhận chúng từ những người có địa vị cao hơn mình hoặc những đồ để cúng tế thần linh, để thể hiện lòng thành kính. Khi nói いただきます, người nói không chỉ thể hiện lòng biết ơn đến những người đã giành thời gian, công sức và tình cảm để nấu cho mình, mà còn bày tỏ lòng biết ơn đến những người đã trồng ra các nguyên liệu nấu cũng như bản thân những nguyên liệu ấy. Không chỉ con người, cá, thịt, rau củ quả,… mỗi nguyên liệu ấy đều có sinh mạng và cuộc sống đầy màu sắc. Vì vậy, いただきますcòn là lời cảm ơn tất cả cuộc sống tươi đẹp của những cá, những rau,.. đã nuôi dưỡng cho con người.
Ý nghĩa của いただきますmang đậm màu sắc văn hóa Nhật Bản, là sự tinh tế, sự bày tỏ lòng biết ơn và tính nhân văn sâu sắc.
Ngoài ra, khi nói “Itadakimasu”, người Nhật thường có thói quen cúi đầu – biểu hiện sự kính trọng và biết ơn, đồng thời chắp hai tay trước ngực- một hành động bắt nguồn từ Phật giáo mang nghĩa biểu hiện sự thành kính sâu sắc. Phật Giáo cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của người Nhật Bản, hãy cùng Sekisho khám phá những điều thú vị về văn hóa ở Nhật Bản trong những bài đăng tiếp theo nhé!